4/21/13

ĐÊM TRƯỚC NGÀY HOÀNG ĐẠO - LỚP 1



CẢNH KHAI TỪ
                        Nội cung. Lê Tư Thành đang ngồi bên án thư. Trên bàn là những quyển thơ, những văn bản – là di cảo của Nguyễn Trãi. Vương vừa đọc vừa suy tư, thỉnh thoảng lại ngừng đọc, nhấp một ngụm trà. Trống lầu điểm canh ba.

T.Thành          - Trống đã điểm canh ba. Chỉ còn một vài giờ ngắn ngủi nữa thôi, Lê Tư Thành này sẽ đường hoàng bước lên chín bệ. Bao nhiêu sóng gió của quãng đời lưu lạc, cứ ngỡ là một giấc chiêm bao. (Cười nhẹ) Ta không thể tưởng tượng nổi, một chàng thanh niên chỉ thích lấy thơ phú làm bầu bạn như ta, cũng có ngày CHỊU ngồi vào chiếc ngai vàng – nơi lửa cháy bên lưng, sóng dưng trước mặt. Hàng ngàn năm nay, chỉ vì một chiếc ngai vàng, mà bao cuộc tranh giành đẫm máu đã diễn ra, bao nhiêu oan khiên xếp chồng chồng lên 9 bệ. Vậy mà chỉ rạng sáng ngày mai thôi, rạng sáng ngày mai thôi, Lê Tư Thành này cũng sẽ đặt từng bước chân lên đó. Hăm hở ? Hay ngại ngần ? Ưu tư ? Hay thanh thản ?

                        Giậu thưa thưa hai khóm cúc,
Giường thấp thấp một nồi hương.
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh,
Áo bô quen cật vận xênh xang…

- Ôi những vần thơ hào sảng, chí khí ngất trời mà tâm tình vẫn mênh mông nhân hậu. Có phải chăng chính vì những vần thơ máu lệ này, chính vì mối ân tình sâu nặng của vợ chồng tiên sinh đối với mẹ con ta, và trên tất cả, chính vì nỗi oan khuất ngất trời của vụ án Lê Chi Viên, mà Lê Tư Thành này bằng lòng đăng quang ngôi thiên tử ? Để có điều kiện vén áng mây mù – cho giữa không gian lộ ra vầng SAO KHUÊ LẤP LÁNH ?
                       
GIỚI THIỆU: ĐÊM – TRƯỚC NGÀY HOÀNG ĐẠO

Cảnh 1: Vẫn nội cung Tư Thành. 

Quân               - Tâu bệ hạ, Ngô sử quan xin được ứng hầu.

T.Thành          - Cho sử quan vào !

Sĩ Liên             - Thần sử quan Ngô Sĩ Liên, theo lịnh gọi ứng hầu. Kính chúc bệ hạ an khang trường thọ.

T.Thành          - Ta miễn lễ. Ta cho vời khanh đến tận thư phòng, vì có một vài điều cần hỏi. Khanh hãy ngồi đi. Sử quan, ta nghe nói, khanh theo nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa. Tính đến nay, khanh đã làm sử quan dưới 3 triều đại. Ta muốn hỏi khanh, thiên chức của một người chép sử là gì ?

Sĩ Liên             - Dạ … muôn tâu, phàm làm người chép sử, điều quan trọng nhất là …phải tôn trọng sự thật. 

T.Thành          - Tôn trọng sự thật ? Hay lắm ! Vậy ta hỏi, bản thân khanh, khanh có thấy mình luôn làm tròn thiên chức đó ? 

Sĩ Liên             - Muôn tậu … thần luôn cố gắng hết sức mình để làm tròn trọng trách, tuy nhiên …

T.Thành          - Khanh cứ nói.

Sĩ Liên           - Chắc bệ hạ cũng biết, không phải sự thật nào cũng có thể nói ra, huống chi là … chép nó vào sách sử. Và … đó chính là nỗi khó xử cho những nhà chép sử như thần. 

T.Thành          - Ta hiểu. Ta hiểu là từ xưa đến nay, người chép sử luôn là người làm quan, mà đã là người làm quan, thì tránh sao khỏi những buộc ràng của đường hoạn lộ. Quan là tay chân của vua, thì coi như bổn phận phục vụ nhà vua đè nặng lên vai mình. Tránh sao được chuyện thiên vị khi chép sử. Khanh nói là … có những sự thật không thể nói ra. Vậy theo khanh, trong vụ án Lệ Chi Viên, có những sự thật nào mà ta chưa nói tới không ?
 
Sĩ Liên             -(hơi sững sờ)  Bệ hạ ? Sao …. Sao bỗng nhiên người lại nhắc tới … vụ án Lệ Chi Viên ? Thần …

T.Thành          - Kìa, sao bỗng nhiên khanh lại có vẻ lúng túng ? Ta đang tranh luận với khanh về nghề chép sử, và … ta chỉ bất chợt nhắc tới thôi mà. À, Ngô sử quan, chuyện ta ra lệnh cho khanh biên sọan một bộ Sử Việt, khanh làm tới đâu rồi ?

Sĩ Liên             - Muôn tâu, thần đang tập hợp tư liệu của các sử gia đời trước, và đang nỗ lực hoàn thành.

T.Thành          - Tốt lắm ! Ta mong nước nhà sẽ có một bộ quốc sử thật vĩ đại, có thể bao quát cả ngàn năm hào hùng của dân tộc. Sử quan, ta trông cậy ở tài năng của hiền ....

CỔ BẢN
                        ...khanh, và ta cũng muốn nhắc khanh một việc
                        Chép sử không chỉ giản đơn, là chép lại sự tình.
                        Mà người cầm ngòi bút tài hoa 
                        Còn phải suy xét căn nguyên, gốc ngọn,
                        Phải có chính kiến của mình
                        Hầu giúp người của ngàn sau
                        Hiểu rõ thịnh suy của bao triều đại
                        Đâu là tội và đâu là công
                       Cho thật chính xác, công bằng
                       Không phải sự thật nào cũng có thể nói ra
                       Nhưng đã nói ra - thì đừng sai sự thật
                       Đó là trách nhiệm lớn lao
                       Ta phó thác cậy nhờ
                       Mong khanh đừng phụ lòng ta./.


Sĩ Liên             - Thần cảm tạ bệ hạ đã hiểu nổi khổ tâm của người chép sử. Đời người chép sử, như một chứng nhân của thiên hạ, có lúc cảm thấy hứng thú tột cùng, cũng có khi đớn đau cực đỉnh. Thú làm sao khi được viết lại những trang sử hào hùng của dân tộc, những câu nói khí phách lẫm liệt của những bậc anh tài, những câu nói dù được chép một lần trong đời cũng lấy làm mãn nguyện. Đau làm sao khi phải viết lại những đổ nát mục ruỗng của một triều đình, những lời nói ghê tởm đến mức rửa bút bao lần vẫn chưa sạch mùi ô uế. Trang sử ứa máu tươi như bị một nhát dao sắc cứa vào. 

Tư Thành        - Ân oán không chỉ nằm trong cuộc đời, mà ân oán còn nằm trong sách sử. Nếu đã biết một con chữ mình viết ra là máu, thì người viết sử có dám xem thường những điều mình viết hay không ? Nếu … khanh viết về vụ án Lệ Chi Viên, thì khanh sẽ viết như thế nào ? 

Sĩ Liên             - Bệ hạ ? Người lại vừa nhắc đến vụ án Lê Chi Viên, phải chăng vụ án này có gì khiến người trăn trở ? 

Tư Thành        - Điều ta trăn trở, chính là điều ta vừa hỏi khanh. Nếu phải ghi câu chuyện Lệ Chi Viên vào sách sử, thì khanh sẽ ghi thế nào ?  (Nhạc)

Sĩ Liên             - Muôn tâu .. thần … 

Tư Thành        - Chẳng lẽ khanh cũng sẽ ghi là “Nguyễn Trãi và Thị Lộ âm mưu giết vua, nên bị tru lục toàn gia” ?

Sĩ Liên             - Muôn tâu bệ hạ … đó là tất cả những gì trước giờ mọi người vẫn nói.

Tư Thành        - Sử quan, khanh nói sai rồi. Đó là những gì “chúng ta” vẫn nói, và đó cũng chưa phải là “tất cả”, Còn có những điều “chúng ta chưa nói”, nhưng “mọi người đã nói”.  Những tháng ngày mẹ con ta lưu lạc trong dân gian để trốn tránh mối nguy hiểm từ chốn cung đình, ta đã nghe nhiều chuyện khác. Nguyễn Trãi là người thế nào ? Ta nghĩ rằng sử quan biết rõ hơn ta chứ ?

Sĩ Liên             - Muôn tâu … thần …

Tư Thành        - (trầm tư) Một nhà quân sự lỗi lạc, là cánh tay phải của nội tổ ta từ những ngày đầu tụ nghĩa. Còn về văn tài, ..thì từ thời còn niên …
XUÂN TÌNH
                        … thiếu, ta đã say mê những tác phẩm của người,
Dẫu rằng tất cả những bài thơ,
Những áng văn chương đều bị cấm lưu truyền.
Và ta đã từng nghe mẹ ta kể lại,
Vợ chồng Nguyễn Trãi đã không kể mạng sống của mình
Cầu xin phụ vương ta tha thứ tội tình
Cho mẹ ta là Ngô thị Ngọc Dao.
Bởi những lời gièm pha từ nơi cung nội
Rằng mẹ ta âm mưu chiếm đọat ngai vàng
Khiến phụ vương nổi trận lôi đình
Truyền giam cấm ngục dù đang lúc mang thai.
Ta không tin một con người đầy nhân nghĩa
Lại xuống tay làm chuyện tày trời,
Nhằm mục đích gì ? Lại thí sát quân vương ?
Hay ông là nạn nhân của tham vọng vương quyền ?

Sĩ Liên             - Muôn tâu, thần biết nói sao cho thỏa lòng bệ hạ ?
Chuyện về Nguyễn Trãi .. là câu chuyện rất dài
Nay bỗng nhiên bệ hạ muốn tỏ tường
Thần … thần không biết mình phải tâu bẩm làm sao
Nhưng … muôn tâu … thần vẫn chưa hiểu được
Vì sao … người muốn tỏ tường sự thật ?
Khi chuyện năm xưa đã vùi vào quên lãng
Người chết rồi cũng như ngọc đắm sông sâu
Tư Thành        - Ta muốn điều tra lại vụ án này
Ta muốn làm cho minh bạch trắng đen
Nếu có oan khiên phải giải tỏa oan tình
Nếu có sai lầm phải sửa chữa lầm sai./.

Sĩ Liên             -(thảng thốt) Bệ hạ ! Thần e là không thể !

Tư Thành        - Không thể ? Vì sao ? Kể cả khi ta là vua đứng đầu thiên hạ ? Mọi uy quyền sinh sát trong tay ta ư ? (im lặng một lát) Ta không tin, ta không tin có cái gì ghê gớm hơn sự thật. Ta không tin có một thế lực nào ngăn cản được ta giải oan cho một khai quốc công thần như Nguyễn Trãi. (Nhạc)

Sĩ Liên             - Bệ hạ ơi nếu mọi chuyện giản đơn như những gì bệ hạ đang hết lòng tin tưởng. Thì vụ án Lê Chi Viên đâu phải chịu vùi chôn những 20 năm trong xót xa đau đớn âm …
VỌNG CỔ
                        1… thầm. Gần hai mươi năm với bao biến cuộc thăng trầm. Đức Nhân Tông hoàng đế cũng đã từng khen ngợi: Nguyễn Trãi là người giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng bản triều không ai sánh được”. Vậy mà với vụ án Lệ Chi Viên, riêng với án Lệ Chi Viên thì .. người cũng đành tai ngơ mắt lấp …

Tư Thành        - Ta có thể thông cảm cho Nhân Tông, vì anh ta lên ngôi khi chưa đầy 1 tuổi. Mọi quyền hành mẫu hậu nắm trong tay. Và anh ta tại ngôi chỉ có 17 năm, ắt không có đủ thời gian và năng lực điều nghiên vụ án. Nhưng còn ta …

2. Cái chết thảm khốc của toàn gia Nguyễn Trãi, đã ám ảnh ta suốt 18 năm ròng. Vụ án đã bị vùi chôn nhưng vẫn luân lưu như từng mạch nước ngầm. Nước vẫn chảy giữa thâm sâu oan khuất, chờ chực một ngày xé đất để trào tuôn. Ta muốn tự tay mở lối khơi nguồn, cho mạch chảy thông, nước tuôn về bể cả. Ta muốn khi ta ngồi lên chín bệ, bốn phương thanh bình, triều chính lặng yên …./.  

Sĩ Liên             - Bệ hạ, tấm lòng người nhân hậu, chí khí người cao vời. Nhưng Lê Chi Viên là một vụ án phức tạp, thần chỉ e “bứt dây động rừng”. Nếu bệ hạ biết rõ tận tường mà không giải quyết được, thì … thà không biết còn hơn.

Tư Thành        - Sử quan, người không tin ta ư ? 

Sĩ Liên             - Bệ hạ xá tội ! 

Tư Thành        - Chỉ sáng mai thôi, ta sẽ danh chính ngôn thuận trên chiếc ngai vàng. Điều ta muốn làm trước nhất, chính là giải oan cho Nguyễn Trãi. Khanh không tin ta có thể làm được việc đó ư ?

Sĩ Liên             - Thôi được. Bệ hạ, thần sẽ kể người nghe câu chuyện của 20 năm về trước.
                       
PHỤC HIỆN CẢNH NỘI CUNG NGUYỄN THỊ ANH
                    Nội cung màn che trướng rủ, không gian lặng như tờ, Thị Anh đang nóng lòng chờ tin tức từ Côn Sơn.

Thị nữ              - Tâu lệnh bà, quan Tả hình Tạ Thanh và Thái úy Trịnh Khả đã về, đang chờ triệu kiến.

Thị Anh           - Cho vào, cho vào ngay lập tức.

Thị nữ              - Tâu vâng !  (Ra)

Tạ Thanh         - Xin bái kiến Nguyên phi. 

Thị Anh           - Các ông đã về. Cái chết của hoàng thượng thật là một dịp may hiếm có cho ta. Chỉ cần khéo sắp xếp, gió sẽ thổi theo chiều ta muốn. Sao hả các ông ? Nội vụ đều êm đẹp đấy chứ ?

Trịnh Khả        - Trình nguyên phi, thi hài bệ hạ đã được bí mật đưa về, ngoài đoàn tùy tùng xa giá theo vua, bên ngoài chưa một ai hay biết.

Thị Anh           - Tốt lắm, rạng sáng ngày mai, ta sẽ cho phát tang và loan báo khắp kinh thành. Còn bây giờ, việc của ta là phải sắp xếp lại câu chuyện này cho đúng theo một tuần tự diễn biến, để mọi người còn biết mà trình bày cho rõ ràng trước bá quan văn võ. Hai ông đã tính tới đâu rồi ? 

Tạ Thanh         - Dạ muôn tâu, chuyện này xin nguyên phi yên tâm, thần đã sắp xếp đâu vào đấy. Quân, cho vời ngự y quan !

Ngự y              - Dạ, ngự y xin ứng hầu.

Tạ Thanh         - Ngự y, thái hậu muốn biết nguyên nhân sự ra đi đột ngột của hoàng thượng. Theo ông chẩn đoán, thì hoàng thượng băng hà vì bệnh gì ?

Ngự y              - Muôn tâu, theo chẩn đoán của hạ thần, thì bệ hạ chết là do … là do có người đầu độc. 

Thị Anh           - Ngự y, ngươi cẩn thận lời ăn tiếng nói, ai đã đầu độc hoàng thượng ?

Ngự y              - Dạ …

Tạ Thanh         - Ngự y, ông cứ mạnh dạn nói lên những gì tai nghe mắt thấy. Nhớ, nói bậy là coi chừng – cái đầu của ông đấy !  

Ngự y              - Dạ .. muôn tâu lệnh bà, sau khi duyệt binh ở Chí Linh, hoàng thượng đã ghé vào Côn Sơn thăm vợ chồng quan hành khiển. Hôm sau thuyền ngự về …
PHÚ LỤC
cung, có Lễ nghi theo hầu hoàng thượng
Bao nhiêu ngày buồm căng gió lộng
Là bấy nhiêu ngày bà kề cận bên vua.
Về Lệ Chi Viên vào một buổi chiều hôm
Thuyền ngự ghé bến nghỉ ngơi.
Hoàng thượng lại cùng bà đàm đạo thâu đêm.
Sương khuya trăng lạnh
Hoàng thượng bỗng bàng hoàng rũ riệt châu thân
Trên tay còn cầm chén trà thơm
Mà Lễ nghi vừa kính cẩn dâng lên.

Thị Anh           - Theo lời ông thì vua bị đầu độc
Và Thị Lộ đã can tội giết vua ?
Bằng chứng đã lưu giữ hay chưa ?
Và trước công đường, ngươi có dám làm nhân chứng hay không ?./.

Ngự y              - Dạ muôn tâu, hạ thần chịu ơn mưa móc của lịnh bà, thần xin nguyện dốc hết sức để báo đền.

Thị Anh           - Ha ha, tốt lắm. Thôi được, cho ngươi lui. Nhớ .. hãy nói hết sự thật này khi ra trước công đường, là ngươi đã đáp đền ơn ta rồi đó.

Ngư y              - Đội ơn lịnh bà, thần xin lui gót.

Thị Anh           - Hai ngươi khá lắm ! Quan ngự y đã đứng về phía ta, đoàn tùy tùng theo vua hôm ấy đều là người của ta, lợi thế về phía ta là đã rõ. Phen này ta sẽ xem bà lễ nghi học sĩ có tài cán gì để biện minh cho tội trạng rành rành của bà ta.

Tạ Thanh         - Thái hậu ? Còn kẻ chủ mưu đứng đằng sau vụ này ? Thần nghĩ, mục đích của Thái hậu, chắc không phải chỉ là Thị Lộ ?

Thị Anh           - Ông muốn nói đến Nguyễn Trãi ? (Thở dài) Mục đích của ta chỉ là Thị Lộ. Ta thật lòng không muốn đụng tới Nguyễn Trãi. Nhưng cớ sự đã đến nước này, ta e Nguyễn Trãi khó tránh bị vạ lây. 

Trịnh Khả        - Tâu, thần sẽ cho bắt giam ngay quan hành khiển, không để hắn kịp trở tay. Chỉ cần, lệnh bà để ý cắt cử người xử án và người viết bản luận tội sao cho khéo, kẻo bên ngoài lại bảo là ta vu khống.

Thị Anh           - Tạ Thanh, ông viết bản luận tội được chứ ?

Tạ Thanh       - Không nên, tâu lịnh bà. Ai cũng biết thần là người của lịnh bà, mọi người sẽ cho là thần làm theo lệnh. Theo thần nghĩ, để luận tội quan hành khiển, không ai thích hợp hơn Thẩm hình viện sứ Nguyễn Thiên Tích.

Thị Anh           - Thẩm hình viện sứ xưa nay bất thân bất sơ, ta chưa biết ông ta đứng về phe nào, e là …

Tạ Thanh         - Chính vì cái bất thân bất sơ đó, không dễ dùng bạc tiền hay quyền lực mua chuộc, nhưng chỉ cần thái hậu nói khích vài câu, hắn sẽ nổi máu thanh liêm chính trực, muốn tỏ rõ mình là một tôi trung, là một tiến sĩ đứng đầu Thẩm hình viện. Khi ấy, hắn sẽ không kiêng nể một ai, dù là bậc khai quốc công thần.

Thị Anh           - Ha ha ha, ông Tả hình thật là sắc sảo. Thì ra bọn quân tử chính nhân cũng có nhược điểm đấy chứ, chỉ cần ta biết khai thác họ. Ha ha ha…
Trịnh Khả        - Tâu thái hậu, còn chánh án phiên tòa ?

Thị Anh           - Ta đã có chủ kiến, ta sẽ dùng tể tướng Đinh Liệt. Ta vẫn chưa quên chuyện hắn đứng về phe Nguyễn Trãi khi bênh vực cho Ngô Thị. Nhân cơ hội này, ta sẽ đặt ông tể tướng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu hắn bênh vực Nguyễn Trãi, hắn sẽ trở thành kẻ đồng lõa chống lại triều đình, còn nếu hắn xử Nguyễn Trãi, thì … trời ơi, hắn sẽ đau khổ đến thế nào, ha ha ha…

Trịnh Khả        - Lệnh bà thật là cao kiến, người họ Nguyễn, kẻ họ Đinh, người là đệ nhất khoa bảng, kẻ là anh hùng chiến trận. Hai người ấy sẽ thay ta nhận lấy búa rìu dư luận. Để xem: xử án người mà mình kính trọng, hai bậc tài hoa ấy sẽ làm như thế nào ? Khà khà ….

Thị Anh           - Nếu chúng dám giở quẻ, đã có ông Tả hình bí mật kèm ở phía sau. Xử nhanh, xử gọn, không cho phép bị cáo bào chữa lôi thôi. Hình quan phải ra lệnh nhiều hơn là nói, và nhanh chóng tuyên án. Ta chắc rằng, Nguyễn Trãi phen này dù có trong sạch như gương cũng phải giật mình không hiểu vì sao tay mình vấy máu, ha ha ha …..(Tiếng cười của ba kẻ đồng mưu vang lên, một ngọn gió lùa qua làm nghiên ngã ngọn hồng lạp, out cảnh)
                        TRỞ LẠI THỰC TẠI,

Tư Thành        - Trời ơi, mẫu hậu của ta đã sắp bày một âm mưu sâu độc. Một âm mưu hoàn hảo với sự nhúng tay của phần lớn những người có thế lực trong triều nội.

Sĩ Liên             - Bây giờ thì chắc bệ hạ đã hiểu …

Tư Thành        - Phải,
SÂM THƯƠNG
                        … ta đã hiểu do đâu,
Lệ Chi Viên chịu vùi trong đau đớn
Đã hai mươi năm qua,
Mà thời gian vẫn phủ xuống vô tâm
Sĩ Liên             - Vì những người liên can
                        Đã gây ra án oan động trời
                        Đều là hàng vương gia,
Là mẫu nghi, là đại quan, công thần.

T.Thành          - Nhưng sử quan ơi, chẳng lẽ ta biết sai mà không thể sửa ? Chẳng lẽ ta cũng làm ngơ để lớp bụi thời gian phủ mờ bao điều oan ức ? Đâu chỉ tội cho người đã chết, còn con cháu của Nguyễn Trãi, chẳng lẽ suốt đời phải thay tên đổi họ, sống kiếp nhục hèn ?

Sĩ Liên             - Bẩm…

T. Thành         - Khanh nói đi, làm sao để thay đổi những dòng chữ tàn nhẫn trong nhật ký, rằng “ba họ nhà Nguyễn Trãi bị tru lục toàn gia vì âm mưu thí chúa” ?

Sĩ Liên             - Thần… không biết..

T. Thành         - Chẳng phải khanh vừa nói: “đau làm sao khi phải viết lại những đổ nát mục ruỗng của một triều đình, những lời nói ghê tởm đến mức rửa bút bao lần vẫn chưa sạch mùi ô uế...”. Giờ ta cho khanh cơ hội được rửa sạch ngòi bút của mình, sao khanh lại không dám nhận ?

SĨ LIÊN           - Tâu, có lẽ vì thần hiểu: như cuộc đời luôn có trắng, có đen, có thiện lương và ác độc. Thì ngòi bút của thần cũng không nằm ngoài thế cuộc phải gánh cả buồn vui, sai đúng của nhân…
NAM ÁI MÁI
                        tình, dù sai lệch, cũng là sử của triều đình
                        Phản ánh một hướng nhìn, vì cái lợi của hoàng gia
                        Bệ hạ không thể bước qua, đứng về phía dân gian
                        Đánh giá lại triều đình, gây đảo lộn kỷ cương
                        Giải oan cho Nguyễn Trãi, chỉ là sửa một sai lầm
                        Liệu ta có thể nào ? Sửa hết những điều sai ?./.

T.Thành          - Sửa hết những điều sai ?

SĨ LIÊN           - Bẩm vâng. Vì án oan xưa nay không chỉ một Lệ Chi Viên, bệ hạ sẽ lấy lý do nào để sửa cái này mà quên cái khác ? (nhạc)

T. THÀNH      - Ta… thật tình là ta chưa nghĩ đến điều này. Trong lòng ta, chỉ có mỗi một án Lệ Chi Viên… Thôi được, khanh hãy lui về an nghỉ. Ta sẽ tự mình suy nghĩ thêm về chuyện này.

Sĩ Liên             - Bệ hạ cũng nên nghỉ sớm để giữ gìn long thể. Hạ thần cáo từ. (Ra)

No comments:

Post a Comment